Với lợi thế liền kề TP.HCM, sự bứt phá mạnh của hạ tầng kết nối, thị trường bất động sản Đồng Nai thời gian qua chứng kiến sự đổ bộ của nhiều đại gia và được dự báo sẽ trở thành điểm nóng của  thị trường địa ốc phía Nam trong thời gian tới.


Dòng tiền tìm đến Đồng Nai


Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Đồng Nai đã diễn ra làn sóng ngầm săn quỹ đất của các đại gia địa ốc. Tính đến nay, hầu hết các đại gia địa ốc tên tuổi tại TP.HCM đều đã có mặt tại thị trường Đồng Nai.


Không chỉ săn quỹ đất, sự xuất hiện của các đại gia này đã tạo hiệu ứng thị trường rất tốt. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các dự án bất động sản được quy hoạch bài bản, pháp lý hoàn thiện được công bố ra thị trường gần như đều có kết quả bán hàng khá tốt.


Mới đây, Công ty Asia New Time công bố ra thị trường Dự án Long Thành Central. Dự án có vị trí mặt tiền đường 80 m đi vào Sân bay Quốc Tế Long Thành, nằm trong Khu đô thị vệ tinh Bắc sân bay, cách sân bay chỉ 2 km. Ngay trong buổi công bố, gần như hầu hết sản phẩm nhà phố, biệt thự của dự án đã được khách hàng săn đón.


Tương tự, sau khi mua lại dự án từ một đối tác nước ngoài trong Khu đô thị Long Hưng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, Tập đoàn Novaland đã triển khai dự án này thành một khu nhà phố, biệt thự mang tên Aqua Villas. Mới đây,


Novaland đã công bố ra thị trường hơn 300 sản phẩm nhà phố, biệt thự của dự án và hầu hết sản phẩm đều đã được khách hàng giữ chỗ.


Hay trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để mua lại một dự án tại TP. Biên Hòa. Dự án có quy mô hơn 3.000 sản phẩm nhà phố đã được công bố ra thị trường và đến nay, hầu hết sản phẩm đều đã được tiêu thụ.


Ngoài những doanh nghiệp kể trên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thời gian qua nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng liên tục săn lùng quỹ đất tại Đồng Nai. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long công bố mua lại 70% vốn của công ty thuộc Keppel Corporation Limited (Singapore) với giá trị hơn 2.300 tỷ đồng. Sau thương vụ, Nam Long sẽ triển khai đầu tư 170 ha đất của Dự án Dong Nai Waterfront City tại xã Long Hưng, TP. Biên Hòa.


Theo Nam Long, hiện tại, Dự án Dong Nai Waterfront City đã có quyết định giao đất, đóng tiền sử dụng đất, được phê duyệt quy hoạch 1/500 và được cấp sổ đỏ hơn 170 ha. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai ngay trong giai đoạn 2019 - 2025 với tổng vốn đầu tư lên đến 9.200 tỷ đồng. Sản phẩm đưa ra thị trường gồm hơn 4.000 căn villa và 3.000 căn hộ.


Ngoài Dự án Dong Nai Waterfront City, trước đó, vào tháng 11/2018, Nam Long cũng đã công bố góp vốn thành lập Công ty TNHH một thành viên Paragon Đại Phước với số vốn hơn 1.228 tỷ đồng để phát triển một dự án khác tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.


Còn tại Long Thành, nguồn tin của phóng viên Đầu tư Bất động sản cho biết, một đại gia địa ốc hàng đầu tại TP.HCM đã mua lại một khu đất có quy mô hơn 700 ha tại huyện Long Thành. Đây là khu đất khá đắc địa, liền kề với Sân bay Long Thành và được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo của cả khu vực này khi được triển khai.


Theo các chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh giá đất nền ở TP.HCM đã lên cao và đang có chiều hướng tiếp tục tăng do cầu vượt cung, nhiều người có nhu cầu về nhà ở đã dịch chuyển về các địa phương lân cận TP.HCM để mua đất an cư. Do vậy, việc các doanh nghiệp đua nhau săn quỹ đất tại Đồng Nai nhằm đón đầu xu hướng là dễ hiểu.


Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time, xét ở nhiều góc độ, Đồng Nai đang có khá nhiều lợi thế để phát triển trong thời gian tới, trong đó những khu vực có hạ tầng phát triển tốt như Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa sẽ là những khu vực tâm điểm của thị trường sắp tới.


Bệ phóng của hạ tầng


Có thể nói, từ lâu Đồng Nai là một trong những thị trường được quan tâm đặc biệt của giới đầu tư địa ốc phía Nam. Tuy nhiên, kể từ sau khi Quốc hội chính thức thông qua dự án xây dựng Sân bay Long Thành và mới đây, tại Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý tỉnh Đồng Nai phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành để "Làm sao đến năm 2020 khởi công dự án như mục tiêu đề ra để tạo động lực phát triển cho vùng”, đã khiến thị trường bất động sản Đồng Nai trở thành “đích ngắm” thật sự trong mắt giới đầu tư.


Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, Đồng Nai hiện đang có nhiều lợi thế, trong đó lợi thế lớn nhất là cú huých về phát triển hạ tầng và giá đất còn tương đối “mềm” so với những khu vực khác.


Về hạ tầng, là địa phương liền kề TP.HCM, Đồng Nai là cửa ngõ của cả khu vực miền Đông Nam Bộ, đang được đánh giá có lợi thế đặc biệt về liên kết vùng. Mới đây, lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã họp bàn phương án triển khai cầu Cát Lái nối quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.


Với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.200 tỷ đồng, cầu Cát Lái được đánh giá có ý nghĩa lớn trong chiến lược kết nối hạ tầng liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của Đồng Nai và cả TP.HCM, nhất là thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch mà hai địa phương có thế mạnh.


Khi cầu Cát Lái được xây dựng, hệ thống giao thông TP.HCM - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai. Bên cạnh đó, khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP.HCM - sân bay Long Thành, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông đang quá tải trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.


Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu phát triển Giao thông - Vận tải (Viện Chiến lược phát triển Giao thông - Vận tải), Đồng Nai có một hệ thống hạ tầng giao thông khá toàn diện, gồm đường sắt, đường bộ, đường sông.


Ngoài dự án cầu Cát Lái, tính đến nay, các tuyến đường huyết mạch quốc gia đều đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một số công trình trọng điểm khác như cầu Đồng Nai, cầu Hóa An, hầm chui Tam Hiệp, đường Võ Nguyên Giáp, nút giao Vũng Tàu…, làm cho bộ mặt hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thay đổi nhanh chóng.


Hiện một loạt dự án đường cao tốc đang được thực hiện và chuẩn bị đầu tư như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương… Đặc biệt, Sân bay quốc tế Long Thành sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại cho Đồng Nai.


Trong khi hạ tầng đang có sự phát triển mạnh, theo phân tích của gới kinh doanh địa ốc, so sánh sự tương quan về giá giữa các địa phương giáp ranh TP.HCM như Long An, Bình Dương, bất động sản Đồng Nai có mức giá còn khá “mềm”. Theo phân tích của các chuyên gia, qua khảo sát thị trường cho thấy, thời gian qua, thị trường địa ốc phía Nam xuất hiện làn sóng người có nhu cầu về nhà ở đổ xô về các khu vực giáp ranh với TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An để mua đất.


Đây là xu hướng đã được dự báo từ trước trong xu thế giãn dân từ trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, trong các địa phương lân cận TP.HCM, dường như Đồng Nai đang chiếm ưu thế lớn. Trong khi thị trường bất động sản Bình Dương, Long An hiện đang bước vào giai đoạn bão hòa, thì thị trường Đồng Nai lại đang bước vào giai đoạn phát triển mới.


“Điều khiến nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất đến thị trường Đồng Nai hiện nay là câu chuyện khởi động Sân bay quốc tế Long Thành. Khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, nhiều khả năng TP. Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch sẽ sáp nhập để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Dương Minh Tiến dự đoán và cho biết, việc triển khai Sân bay quốc tế Long Thành gần như đã chắc chắn. Đây là yếu tố quan trọng, giúp dư địa phát triển của thị trường bất động sản Đồng Nai sôi động và kéo dài trong thời gian tới.